Sôi động lễ Hội đua thuyền truyền thống Xuân Giáp Thìn – 2024

Thứ ba - 27/02/2024 14:48 177 0
Từ lâu, ngày hội đua thuyền đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa thể thao truyền thống ở huyện Tuy Phước trong ngày đầu năm, như một món ăn tinh thần của những ngày đầu Xuân. Và “Đến hẹn lại lên”, chiều mùng 2 Tết âm lịch, trên sông Gò Bồi, xã Phước Hòa lại tưng bừng với Lễ Hội đua thuyền truyền thống mừng Xuân. Lễ hội diễn ra với những màn tranh tài sôi nổi, trong sự cổ vũ hò reo của hàng nghìn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh…
Nội dung đua tập thể luôn được nhiều  người quan tâm cổ vũ nhất. Các đội cống hiến cho khán giả những pha đua hấp dẫn, ngang sức ngang tài.
Nội dung đua tập thể luôn được nhiều người quan tâm cổ vũ nhất. Các đội cống hiến cho khán giả những pha đua hấp dẫn, ngang sức ngang tài.
Ngay từ đầu giờ trưa, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa đã tưng bừng náo nhiệt hơn khi dòng người từ khắp nơi đổ về sông Gò Bồi. Tất cả đang náo nức chờ đón một sự kiện thể thao hấp dẫn nhất trong những ngày Tết: “Hội đua thuyền truyền thống Xuân Giáp Thìn – 2024”. Sông  Gò Bồi trong lúc này đã trở thành một bức tranh được tô điểm thêm bởi sắc màu, các cờ phướn hòa cùng màu xanh trong của dòng nước. Dòng sông trong vắt in bóng những chiếc thuyền rồng được sơn màu đỏ, vàng, xanh rực rỡ. Điểm nổi bật của lễ hội đua thuyền năm nay đó là, cùng  thời gian diễn ra đua thuyền, tại khu vực chợ mới Gò Bồi, Trung tâm Văn hóa – thông tin và thể thao huyện còn tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật ca nhạc dân ca bài chòi chào xuân mới càng tạo thêm sự sôi động và hấp dẫn cho lễ hội. 
Các đội tham gia khai mạc lễ Hội đua thuyền truyền thống Xuân Giáp Thìn 2024
Lễ hội đua thuyền năm nay có trên 88 vận động viên đến từ các xã  Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng về tham gia tranh tài ở các môn: sõng câu bơi dầm nam, nữ cự ly 400m; đua thuyền tập thể nữ cự ly 800m và  đua thuyền tập thể nam cự ly 1.600m.

Để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền, các địa phương đã tổ chức tuyển chọn và tập luyện từ nhiều ngày trước. Năm nay, huyện đầu tư mua 2 thuyền rồng mới bằng composite tiêu chuẩn thi đấu SEA Games để tạo thêm màu sắc cho lễ hội. Đua thuyền là môn thể thao mang đậm tính tập thể,  do vậy, nội dung đua tập thể luôn được nhiều  người quan tâm cổ vũ nhất. Nhờ có sự đầu tư chuẩn bị và tập luyện nên các đội đã tạo nên những cuộc so tài gây cấn và sôi nổi. Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng reo hò cổ vũ nhiệt tình, các đội cống hiến cho khán giả những pha đua hấp dẫn, ngang sức ngang tài.
Nhãn

Anh Phạm Văn Tàu– VĐV của đội đua thuyền tập thể nam xã Phước Thắng, chia sẻ: Tham dự lễ hội đua thuyền, dường như chuyện thắng thua không quá quan trọng. Điều quan trọng nhất với các đội đua và vận động viên, những ngư dân sông nước là được hòa mình vào không khí ngày hội, qua đó, góp phần tôi luyện sức dẻo dai trong họat động đánh bắt thủy hải sản.  Đây cũng là dịp người dân gần gũi nhau hơn, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đua thuyền truyền thống là loại hình thể thao sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh được nhiều tầng lớp nhân dân cũng như du khách thập phương yêu thích, đến xem và cổ vũ. Vì vậy, bên cạnh sự dày công tập luyện của các vận động viên, một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong bất kỳ giải thi đấu nào cũng đòi hỏi phải có sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Trong cái nắng đầu xuân, nhiều khán giả đã đến xem và cổ vũ mỗi lúc một thêm đông. Đặc biệt, là khu vực hai bên bờ sông. Trên bờ là khung cảnh người xem cỗ vũ náo nhiệt, còn dưới sông - các thuyền đua như căng sức mình để lướt chạy trên dòng nước xanh biếc. Tất cả đã tạo nên một không khí rộn ràng, nhộn nhịp mang đậm sắc xuân. Chị Trần Thị Thanh Lan, một người con Tuy Phước sinh sống làm việc  tại TP Hồ Chí Minh về quê đón tết có dịp xem lễ hội đua thuyền tỏ ra rất thích thú, chị Lan hào hứng nói “ Tôi thấy địa phương duy trì lễ hội này hàng năm rất có ý nghĩa. Đây là dịp để người dân địa phương có cơ hội so tài về thể lực, sự khéo léo phối hợp thể hiện tính kết nối đồng đội. Ngoài ra còn là sân chơi để người dân địa phương cũng  như du khách thập phương có địa điểm để vui chơi, trẩy hội, tìm hiểu về văn hóa của  người dân huyện Tuy Phước”.

Sau hơn 2 giờ tranh tài sôi nổi, kết quả BTC đã trao giải nhất môn đua thuyền tập thể nam cho đội xã Phước Sơn, giải nhì thuộc về đội Phước Hòa và giải nhất  đua thuyền tập thể nữ cho đội thôn Tân Giản (xã Phước Hòa), giải nhì thôn Kim Đông, (xã Phước Hòa) . Về cá nhân, BTC đã trao giải nhất nội dung sõng câu bơi dầm nam cho vận động viên  Nguyền Văn Vương (xã Phước Sơn) và giải nhất nội dung sõng câu bơi dầm nữ cho vận động viên  Nguyễn Thị Tố Nga ( xã Phước Thắng). Về giải toàn đoàn, giải  nhất thuộc về đội Phước Sơn, giải nhì thuộc về Phước Hòa và đội Phước Thắng đạt giải ba.
Ban tổ chức trao giải cho các cá nhân, tập thể thắng cuộc tại giải đấu.
Kết thúc lễ hội đua thuyền Gò Bồi, mặc dù có kẻ thắng người thua nhưng không vì thế mà có sự thù địch hay ganh đua. Người dân nơi đây đua thuyền không phải nhằm phân biệt thắng thua mà đơn giản đó là trò chơi giải trí vui vẻ xua tan nhọc nhằn của một năm lao động vất vả, đồng thời nâng cao sức khỏe, rèn luyện sự đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm trên tinh thần thượng võ. Lễ hội đua thuyền mừng xuân  Giáp Thìn 2024 huyện Tuy Phước đã khép lại với hình ảnh những tay chèo khoẻ khoắn, dẻo dai, mang đến sự cầu chúc cho một năm mới đầy thắng lợi. Đó cũng là một nét đẹp văn hoá của ông cha lưu lại và ngày càng được trân trọng, giữ gìn cho đến tận ngày hôm nay.

Tác giả bài viết: Nguyệt Ánh - Trung tâm VH - TT -TT huyện

Hướng dẫn nghiệp vụ
Bản tin nội bộ
Đề cương tuyên truyền
Tài liệu tham khảo
Báo cáo tổng kết năm
Báo cáo kinh tế xã hội
Hỏi đáp trực tuyến
Báo điện tử CS
Tuyên giáo
Xây dựng đảng
Tạp chí Cộng sản
Liên kết website
  • Đang truy cập75
  • Tháng hiện tại124,612
  • Tổng lượt truy cập3,199,467
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây