Sự hình thành và phát triển

KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN TUY PHƯỚC
Tuy Phước là huyện có bề dày lịch sử và văn hóa, có vị trí chiến lược quan trọng đối với tỉnh Bình Định và Tây Nguyên. Nhiều thế kỷ qua, mảnh đất Tuy Phước đã khắc sâu những mốc son lịch sử, truyền thống chiến đấu oai hùng của quân và dân ta trong phong trào Tây Sơn, Cần Vương, cũng như trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Những truyền thống đó là nhân tố cơ bản, làm cơ sở cho Tuy Phước tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03 tháng 02 năm 1930), đã mở ra một bước ngoặc lịch sử cho cách mạng Việt Nam, từ đây nhân dân cả nước nói chung và nhân dân huyện Tuy Phước nói riêng đã có một Đảng tiên phong và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa đường, chỉ lối. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng của huyện ngày càng được củng cố vững chắc và giành được nhiều thắng lợi.

Trong tình hình mới, Tuy Phước có những chuyển biến quan trọng; đặc biệt, đầu năm 1939, trước đòi hỏi của phong trào công nhân đường sắt Diêu Trì và Bình Định; đồng thời chấp hành chủ trương tổ chức chi bộ trong các đường xe lửa của Hội nghị Trung ương tháng 3 năm 1938 của Xứ ủy Trung kỳ. Trung ương đã điều động đồng chí Nguyễn Đình Thụ từ ga Cầu Đất (tỉnh Lâm Đồng) về Đề-pô Diêu Trì bắt liên lạc với một số đồng chí khác thành lập tổ chức cứu tế đỏ của công nhân (tháng 7 năm 1939). Tháng 9 năm 1939, Chi bộ Đảng Cộng sản Đề-pô Diêu Trì được thành lập và đề ra chủ trương chọn nhng phần tử công nhân qua thử thách đưa vào Hội Cứu tế đỏ, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động quần chúng mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong các phân xưởng của Đề-pô và ga Diêu Trì; xây dựng Đoàn Thanh niên dân chủ, đẩy mạnh các hoạt động công khai và nửa hợp pháp; tìm mọi cách mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong thanh niên và nông dân ở các làng xung quanh Đề-pô. Thực hiện các chủ trương trên, chi bộ đã mở rộng tầm ảnh hưởng trong thanh niên vùng nông thôn, học sinh, giáo chức, thợ thủ công, tiến đến thành lập hội phản đế ở Diêu Trì, Vân Hội, Ngọc Thạnh, Dương An (xã Phước An).

Tháng 3 năm 1943, thành lập tổ Đảng tại Tuy Phước gồm 04 đồng chí do đồng chí Trần Bá làm Tổ trưởng. Năm 1943 - 1944, đồng chí Đoàn Như Khương, Trần Bá lãnh đạo phát triển cơ sở, tổ chức đội thanh niên chống phát xít ra các làng khác của huyện Tuy Phước. Ngày 18 tháng 6 năm 1945, Việt Minh Tuy Phước được thành lập, bắt đầu xây dựng lực lượng vũ trang Tuy Phước. Ngày 21 tháng 8 năm 1945, thành lập Ủy ban khởi nghĩa phủ Tuy Phước, giải tán chính quyền bù nhìn do Nhật dựng lên, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, giữa năm 1946, thành lập Hội Liên Việt, Công đoàn...

Tháng 8 năm 1946, Thành lập Ban Cán sự Đảng do đồng chí Phạm Ngọc Yên làm Bí thư. Tháng 10 năm 1946, họp Hội nghị đã cử Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Trần Bá làm Bí thư. Ngày 20 tháng 01 năm 1947, Đại hội lần thứ nhất bầu Ban Chấp hành chính thức gồm 13 đồng chí do đồng chí Trần Bá làm Bí thư, đồng chí Đoàn Như Khương và đồng chí Trần Thức làm Phó Bí thư. Sau hơn một năm xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng bộ và nhân dân Tuy Phước đạt được những thành tích đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Đảng, Chính quyền, Mặt trận từng bước được hình thành và củng cố nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kháng chiến, kiến quốc ở địa phương. Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh chính trị có nhiều tiến bộ; lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng; chính quyền cách mạng tuy mới ra đời, nhưng đã thực sự đem lại các quyền lợi dân sinh, dân chủ thiết thực cho nhân dân, tất cả góp phần tạo nên bầu không khí tin tưởng, phấn khởi trong xã hội, trong việc xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Những thành quả bước đầu tiên là tiền đề quan trọng cho Đảng bộ, quân và dân Tuy Phước chủ động và vững vàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

Tuy Phước nằm vị trí đầu cầu rất quan trọng. Là cửa ngõ của tỉnh ở phía nam lên Tây Nguyên. Trước tình hình đó, Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Việt Minh nhanh chóng triển khai công tác phá hoại và bố phòng, xây dựng phòng tuyến vững chắc, chống trả các cuộc tiến công của địch, bảo vệ căn cứ kháng chiến. Đầu năm 1947, thành lập Ủy ban Hành chính - Kháng chiến từ huyện đến xã, các ban phá hoại và tản, tiếp cư cũng được thành lập, huyện đã huy động hàng ngàn dân công phá hoại những nơi địch có thể lợi dụng để đánh phá ta như công sở, cơ quan, bưu điện, Đề-pô, đình làng được dỡ phá đầu tiên; sau đó phá cầu, đường quan trọng trên địa bàn góp công sức phá thành Bình Định dỡ bỏ nhiều đoạn đường sắt... Và đến tháng 10, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Phước lần thứ II họp tại thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa (nay là thị trấn Tuy Phước). Đại hội bầu Ban Chấp hành mới gồm 13 ủy viên, do đồng chí Trần Thức làm Bí thư, đồng chí Lê Đình Ban làm Phó Bí thư. Đại hội đặc biệt nhấn mạnh công tác phát triển Đảng và Đảng trực tiếp lãnh đạo công tác tuyển quân. Nhờ chủ trương đúng đắn, kịp thời, công tác quân sự được triển khai mạnh mẽ, hệ thống chỉ huy các cấp nhanh chóng được củng cố, ban dân quân huyện chuyển thành ban chỉ huy Huyện đội, do một cấp ủy viên làm Huyện đội trưởng.

Từ năm 1951, thực dân Pháp tăng cường đánh bom, đánh phá giao thông, phá hoại về kinh tế, thường xuyên càn quét, cướp bóc đất, nhà cửa của nhân dân; bọn phản động đội lốt thiên chúa giáo đẩy mạnh chống phá, tuyên truyền xuyên tạc đường lối của Đảng. Trước tình hình như vậy, Huyện ủy Tuy Phước đã quán triệt trong nhân dân tinh thần cảnh giác như cất giấu tài sản, chuyển hoạt động sản xuất, học tập vào ban đêm.

Cuối năm 1952, thi hành chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Tuy Phước lấy chỉnh Đảng làm công tác trung tâm của toàn Đảng bộ. Mục đích và yêu cầu của cuộc chỉnh Đảng, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa II) đề ra, là củng cố lập trường vô sản cho cán bộ, đảng viên, thấu suốt quan điểm kháng chiến lâu dài và tự lực cánh sinh, khắc phục tư tưởng hữu khuynh trong công tác Mặt trận, chính quyền và trong thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng. Chống tư tưởng tiểu tư sản, ý thức tổ chức kỷ luật kém, quan liêu mệnh lệnh ... làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn mới. Đây là cuộc vận động học tập, tự phê bình và phê bình tập trung lớn nhất, rộng lớn nhất kể từ khi thành lập Đảng.

Đầu 1965, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, quân và dân Tuy Phước phối hợp với những đòn tấn công quân sự trong toàn tỉnh đã nổi dậy giải phóng 15 thôn, thuộc 7 xã (Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Quang, Phước Hậu, Phước An, Phước Thành, Phước Lộc) có 3 xã hoàn toàn được giải phóng là Phước Sơn, Phước Quang, Phước Thành ... phối hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh (D50, D10) các lực lượng vũ trang Tuy Phước diệt gọn Chi khu Gò Bồi do Đại đội bảo an đóng giữ. Đây là căn cứ quân sự của địch đóng phía Đông Bắc của huyện, làm tấm chắn bảo vệ thị xã Quy Nhơn. Chiến thắng Gò Bồi là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân địa phương tiêu diệt một chi khu quân sự trong tỉnh.

Từ sau ngày giải phóng huyện năm 1975, Đảng bộ và nhân dân huyện Tuy Phước bước sang thời kỳ mới, thời kỳ hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Suốt chặng đường 45 năm (1975 - 2020), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Tỉnh ủy Bình Định, Đảng bộ huyện Tuy Phước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, đặt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Tuy Phước đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hậu quả chiến tranh được khắc phục, kinh tế nông nghiệp có bước phát triển khá, không những đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ mà còn hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước. Tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp được khôi phục và mở rộng, đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt và cho sản xuất của nhân dân. Hoàn thành cải tạo quan hệ sản xuất, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được thiết lập, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đã phát huy những tiềm năng của địa phương. Mạng lưới giáo dục, y tế, bưu điện được xây dựng, mở rộng đến tận các thôn, xã. Về cơ bản, nạn mù chữ được xóa bỏ, nên văn hóa mới được hình thành. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Và đến năm 2020, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các lĩnh vực kinh tế trọng yếu đều phát triển, cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, nâng cấp; các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá xã hội tiếp tục tiến bộ, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân ổn định và ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân mỗi người/năm đạt 47,3 triệu đồng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có những chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước tinh gọn; hoạt động chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của Nhân dân; quốc phòng, an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

  Ý kiến bạn đọc

Hướng dẫn nghiệp vụ
Bản tin nội bộ
Đề cương tuyên truyền
Tài liệu tham khảo
Báo cáo tổng kết năm
Báo cáo kinh tế xã hội
Hỏi đáp trực tuyến
Báo điện tử CS
Tuyên giáo
Xây dựng đảng
Tạp chí Cộng sản
Liên kết website
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm38
  • Tháng hiện tại223,208
  • Tổng lượt truy cập5,104,065
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây