Người Cảng thị Nước Mặn: Con người Việt Nam mới trong hành trình nam tiến

Thứ sáu - 22/03/2024 13:59 205 0
Từ thế kỷ II đến thế kỷ XV, vùng Nước Mặn đã có người Chăm cư trú. Từ năm 1471 đến 1600, những người Việt đầu tiên tới Nước Mặn là người Quảng Nam theo quân viễn chinh của vua Lê Thánh Tông vào đây sinh sống. Đầu thế kỷ 17, nhiều người Hoa (người Minh Hương) vượt biển đến Nước Mặn sinh sống, buôn bán. Theo mô tả của thừa sai người Bồ Đào Nha Cristophoro Borri (trong sách “Xứ Đàng Trong năm 1621”), cảng thị là một khu vực dài khoảng hai dặm(tương đương 3,2 km) và rộng khoảng một dặm rưỡi (2,4 km) và như vậy khi thừa sai này đến đây vào 1617, Nước Mặn đã là một cảng thị đông đúc, phồn thịnh.
Chùa Bà trong ngày lễ hội
Chùa Bà trong ngày lễ hội
Trong quá trình Nam tiến, sống trong một hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội mới, ở người Việt đã nảy sinh những phẩm chất mới giúp họ tồn tại và phát triển. Những phẩm chất này thể hiện trong con người Nước Mặn một thời vang bóng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân trong tác phẩm “Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền”, người Nước Mặn biết giữ phẩm giá của mình và quý trọng người trong giao tiếp, chân thành, nhân hậu, trọng nghĩa tình trong xử thế, thương yêu, đùm bọc nhau trong hoạn nạn. Người Nước Mặn tôn kính bậc cao tuổi hơn những người chức trọng, quyền cao. Cristophoro Borris đã mô tả lại nét tính cách đặc biệt này: “Có mấy lần viên quan lớn đến thăm chúng tôi, mặc dầu đã được người thông dịch cho họ biết là có một cha có tuổi hơn cả, nhưng không phải là bề trên, nhưng không thể nào ngăn cản họ chào người có tuổi đó trước hết, sau mới chào bề trên là người trẻ tuổi hơn.”

Người Nước mặn không kỳ thị dân tộc, sẵn lòng cứu giúp người nước ngoài bị đắm tàu; họ cởi mở, lịch thiệp, rộng lượng, tạo điều kiện cho người phương xa tới sống hòa hợp với mình. Giáo sĩ từng đến sống, truyền đạo nơi đây Cristophoro Borris đã ca ngợi một trong những nét nhân cách tốt đẹp của người Nước Mặn trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 của ông: “ Từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị đó mà họ rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng sống vui trong một nhà, mặc dầu trước đó họ chưa bao giờ thấy nhau, biết nhau. Họ cho là một nết rất xấu nếu ai ăn món gì dù rất nhỏ mọn mà không chia xẻ cho bạn, bẻ cho mỗi người một miếng”. Ông viết trong tác phẩm này về cái tính dễ động lòng trắc ẩn và quảng đại của người Nước Mặn, kể cả với người nước ngoài: Một thương gia người Bồ tới một chiếc ghe của một đánh cá nghèo và thò tay vào một chiếc giỏ lớn đầy cá và nói với người đánh cá bằng ngôn ngữ của họ: sin moca (xin một cái?). Người đánh cá chẳng nói chẳng rằng đưa ngay cho anh ta giỏ cá để anh ta mang đi. Thương gia người Bồ này đã mang giỏ cá về nhà, ngạc nhiên về sự rộng rãi của người đánh cá nghèo.

Tuy những mô tả đầy đủ về con người và tính cách của người Nước Mặn là không thể nhưng những nét cơ bản về tính cách, phẩm chất (như sẽ được mô tả tiếp tục ở dưới đây) con người ở đây (và có lẽ ở Hội An cũng như ở những địa phương khác dọc theo con đường Nam tiến) chắc chắn được hình thành trong một quá trình dài. Trong quá trình Nam tiến, người Việt sống trong môi trường tự nhiên có nhiều điểm khác biệt, sự phát triển thương mại với nước ngoài và giao lưu văn hóa từ hoạt động này, một cộng đồng xã hội chung sống gồm người Việt, Chăm, Hoa, kể cả người nước ngoài( nhưng số lượng ít) và kèm với đó là quá trình tiếp biến văn hóa là những yếu tố góp phần làm thay đổi tâm lý người Việt. Rất đáng chú ý là, theo Li Tana, tác giả sách “Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18”, người Việt trong quá trình nam tiến dần thoát khỏi khung cảnh làng vùng sông Hồng và Thanh Hóa chật hẹp, gò bó con người với địa vị xã hội hoàn toàn cố định. Cũng theo tác giả này, tại các vùng đất mới, đặc biệt là từ Quảng Nam trở xuống đất đai tương đối nhiều nên di chuyển trở thành bình thường đối với các gia đình, dòng họ hay cả làng người Việt. Và như thế, quan hệ với đất đai khó có thể là quan hệ khăng khít cố định. Hơn nữa, ngôi làng mới được lập bởi những người thuộc giai tầng thấp và những người khai hoang này ít bị ràng buộc bởi những gò bó của một địa vị xã hội cao và những quy định trong cách ứng xử của xã hội cũ, nên( họ) được tự do phát huy sáng kiến, một đặc điểm thiết yếu của việc thích nghi đầy hiệu quả khi họ liên tục tiến về phía nam. Ngoài ra, nhằm bảo vệ tính chính danh và tạo ra một bản sắc riêng đối nghịch với đàng Ngoài, các chúa Nguyễn đề cao Phật giáo Đại thừa và “lãng quên” Nho giáo gò bó. Đàng Trong với những điều kiện thư thế “ là thế giới rộng lớn hơn cho người ta một ý thức lớn hơn về tự do- tự do lựa chọn nơi họ ưa thích và cách sống họ muốn” Sự tự do tư tưởng trong nhận thức, cái phóng khoáng, tự tin trong giao tiếp, sự rộng lượng, bao dung trong tiếp biến các giá trị văn hóa mới có nguồn gốc như vậy. Nó không chỉ biểu hiện ở người Nước Mặn một thời mà có lẽ còn là một đặc điểm chung “ định vị” sự biến đổi tâm lý người Việt trong cả quá trình nam tiến cũng như đến mãi sau này.

Tác giả bài viết: Hồng Sơn - Trung tâm VH - TT - TT huyện

Hướng dẫn nghiệp vụ
Bản tin nội bộ
Đề cương tuyên truyền
Tài liệu tham khảo
Báo cáo tổng kết năm
Báo cáo kinh tế xã hội
Hỏi đáp trực tuyến
Báo điện tử CS
Tuyên giáo
Xây dựng đảng
Tạp chí Cộng sản
Liên kết website
  • Đang truy cập37
  • Tháng hiện tại187,324
  • Tổng lượt truy cập4,411,722
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây