Huyện ủy Tuy Phước tỉnh Bình Địnhhttps://tuyphuoc.vn/uploads/banner-hutpmobile.gif
Thứ sáu - 29/09/2023 15:071.0540
Lê Đại Cang (1771- 1847), tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, người thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, Tuy Phước. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, lại sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, bằng con đường khổ học đầy nghị lực và những cống hiến lớn lao cho đất nước, Lê Đại Cang trở thành một danh nhân lịch sử nổi tiếng vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Cái học đặc biệt
Học thực là quan niệm rất đáng quý của ông biểu hiện rất rõ trong Lê thị gia phả - tác phẩm ông viết khi về hưu. Ông viết: “Người xưa lên 8 tuổi vào tiểu học, dạy cho biết yêu cha mẹ, kính trọng người lớn. Lên 10 tuổi vào đại học, tập cho quen đạo tề gia trị quốc. Muốn học nhiều phải tuần tự, để kịp thời thi thố”. Từ quan niệm như vậy, ông tự bạch rất trung thực về cái học thiếu thốn, chưa đến đầu đến đũa của mình: “Hơn 10 năm ở nơi lánh địa, tôi bên trong tuy học được thi lễ từ cha, nhưng bên ngoài... còn thiếu thầy dạy bảo. Đến lúc thiếu niên chỉ biết học mà thôi, gọi là tuần tự mà học thì không kịp vậy”. Chính vì vậy, lúc 16 tuổi, khi được học với thầy giỏi, ông “trong 5, 6 năm, lúc ngủ lúc ăn đều ra sức luyện rèn. Phàm gặp được bạn đồng văn liền tới cầu học hỏi, chẳng ngại cười chê là lỗ mãn” (Lê thị gia phả). Việc học thực và sau đó là tự học của chính ông đã góp phần giải thích câu hỏi tại sao ông nổi tiếng về học thuật và được tiến cử là tri huyện vào năm ông 31 tuổi (1801) và có đủ bản lĩnh (nhân cách và học thức) đảm đương nhiều trọng trách lớn và quan trọng trong cuộc đời làm quan kéo dài 41 năm của mình. Quan niệm về thực học của ông vẫn còn giá trị cho đến hôm nay. Học trước hết là để làm người, muốn có kiến thức giúp đời, thực hiện chí làm trai phải thực học và tự học, đó là di sản văn hoá quý báu mà bậc danh nhân Lê Đại Cang để lại cho hậu thế bằng chính cuộc đời và sự trải nghiệm của mình.
Sự nghiệp kinh bang tế thế đồ sộ gần như không tưởng
Vì nổi tiếng văn võ song toàn nên ông được tiến cử làm tri huyện Tuy Viễn khi ông đã 31 tuổi. Trên đường quan lộ 41 năm, trải qua 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, ông đảm đương nhiều chức vụ quan trọng khác nhau như Hiệp trấn Sơn Tây, Cai bạ Quảng Nam, Tham tri bộ Hình, Quản lý đê điều Bắc Thành, quyền Tổng trấn Bắc Thành, Binh bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện, Tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang, Tổng đốc Hà Nội, Tổng đốc An Giang - Hà Tiên, Trấn Tây Tham tán đại thần...
Được vua cử làm việc ở Bắc thành ba lần, Lê Đại Cang đã có nhiều đóng góp quan trọng nơi đây. Ông đã có công ban bố và thi hành luật pháp nghiêm minh, góp phần tuyển chọn nhân tài thông qua kỳ thi Nho học ở Bắc thành, nhưng công lao đoặc biệt quan trọng để đời của ông là làm “tổng công trình sư” việc đắp đê ở Bắc thành. Khi vương triều Nguyễn thành lập, Bắc thành đối với các triều vua đầu triều là vùng đất mới, việc cần xử lý đầu tiên là đối phó với nạn đê vỡ, lụt lội. Do vậy, 10/1828, vua Minh Mạng thành lập Nha Đê chính và cử Lê Đại Cang phụ trách quản lý. Nhận lấy lời dạy của vua “Nay trách nhiệm về đê chính càng nặng nề. Lần nay đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân cày mừng êm sóng...”, 11/1828, ông bắt tay ngay vào đắp đê. Sau khi khảo sát đê cũ, mới, tìm hiểu tường tận về địa hình, thủy văn, đặc điểm dòng chảy... Lê Đại Cang triển khai xây dựng các tuyến đê mới, sửa đắp, khơi đào nạo vét dòng tổng cộng 18 sở đê thuộc hệ thống đê điều của hai dòng sông đặc biệt quan trọng ở Bắc thành là sông Nhị Hà (sông Hồng) và sông Ngũ Huyện Khê, tất cả đều là đại công trình, riêng 10 đê đắp mới đã có tổng chiều dài 3,590 trượng (một trượng = 0,33m). Toàn bộ công việc đồ sộ hoàn thành trong 10 tháng, từ 12/1828 đến 10/1829. Đây thực sự là công trình vĩ đại với thời gian hoàn thành phi thường, đáp ứng yêu cầu trị thủy, an toàn tính mạng và phục vụ, ổn định sản xuất nông nghiệp ở Bắc thành lúc đó. Việc hoàn thành công trình này cho thấy tài năng và trí tuệ của Lê Đại Cang lớn đến thế nào.
Từ 11/1832 đến 7/1841, vua cử ông vào miền Nam, bổ nhiệm chức Tổng đốc An Giang - Hà Tiên, kiêm lĩnh ấn Bảo hộ Chân Lạp quốc. Thực hiện ý chỉ của nhà vua, ông đã tận tụy phục vụ việc công với nhiều đóng góp lớn: Xây dựng thành An Giang; đào sông nối sông Tiền Giang ở Tân Thành với sông Hậu Giang ở Châu Đốc dài trên 3800 trượng; vỗ yên dân chúng; đánh quân phản loạn; củng cố binh lực; thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nước Xiêm; cảnh phòng biên giới, giữ yên bờ cõi; đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi...
Ngẩng cao đầu trước mọi bất trắc trong đường quan lộ
Có hai biến cố lớn trong cuộc đời làm quan của ông. Biến cố thứ nhất xảy ra vào tháng 5/1833: Nguyên tả quân, Vệ úy Nguyễn Văn Khôi làm loạn, chiếm giữ thành Phiên An (Gia Định), sau đó xâm phạm tỉnh Biên Hòa, tỉnh lỵ bị thất thủ, Lê Đại Cang lúc đó làm Tổng đốc An Giang - Hà Tiên bị cách chức, được lưu lại nhiệm sở làm việc nhưng phải xuống làm lính, đến trận tiền lập công để chuộc tội (tội cách lưu). Biến cố thứ hai xảy ra vào 1838. Theo Lê thị gia phả, sau vụ nổi dậy của người Cao Miên vào đầu năm 1838, Lê Đại Cang bị hạch tội là Tham tán Đại thần Trấn tây mà không hoàn thành nhiệm vụ cai trị, nên bị vua cách chức làm lính khiên võng sung vào tiền quân hiệu lực tại quân thứ Hải Đông, đạo Trà Gi. Sau đó, Lê Đại Cang lại bị vua Minh Mạng xử tội “Trảm giam hậu” (giam rồi trảm sau) vì đang bị tội “cách lưu” mà lại giám tự tôn mình là đại tướng. Con đường hoạn lộ của Lê Đại Cang gặp nhiều sóng gió, ông nhiều lần được vua thưởng công nhưng cũng nhiều lần bị vua xử phạt, cắt chức nhưng không bao giờ chán nản, bi lụy mà luôn vươn lên, dốc hết sức mình làm tròn bổn phận của người có trách nhiệm đối với đất nước cho dù nhiệm vụ có khó khăn, gian khổ đến mấy và lắm lúc nguy hiểm đến tính mạng.
Trong Lê thị gia phả, ông viết: “Quan hà xa xôi nhưng mặt rồng (tức vua) gần trong gang tất, ngày đêm chăm chỉ, một lòng báo quốc... vì nước quên nhà, vì công quên tư là tiết tháo của kẻ làm tôi”. Với quan niệm sống như thế, cũng dễ hiểu dù cuộc đời làm quan sóng gió nhưng chưa bao giờ ông chán nản, bi lụy mà luôn vươn lên, dốc hết sức mình làm tròn bổn phận của mình với đất nước. Tận hiến cho dân, cho nước là quan niệm sống của Lê Đại Cang và đó là cốt lõi nhân cách của ông. Đã 176 năm sau ngày ông mất, nhưng nhân cách của bậc quốc sĩ Lê Đại Cang vẫn lấp lánh trong sự ngưỡng mộ của hậu thế.
Tác giả bài viết: Hồng Sơn - Trung tâm VH - TT - TT huyện