Phát huy giá trị di tích lịch sử khu lăng mộ, đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn

Thứ hai - 28/08/2023 16:16 229 0
Những ngày cuối tháng Tám năm 2023, chúng tôi về thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước – quê hương của Danh nhân văn hóa Đào Tấn nhân kỷ niệm 116 năm ngày mất của ông (1907 – 2023). Làng Vinh Thạnh ngày nay được “thay da, đổi thịt” với những ngôi nhà khang trang, những con đường bê tông thẳng tít và những hàng quán nhộn nhịp, sầm uất. Dẫu vậy, ngôi làng trù phú và yên bình này vẫn giữ được nét thuần Việt của mình với ngôi đình, cổng làng cổ kính rêu phong.
Toàn cảnh Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn
Toàn cảnh Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn
Từ trung tâm huyện theo trục lộ 640 về hướng Tây bắc khoảng 1km là tới núi Huỳnh Mai nơi Đào Tấn chọn làm nơi an nghỉ ngàn thu. Từ dưới chân núi lên mộ ông qua 209 bậc thang, hướng mộ nhìn xuống cánh đồng làng xanh mướt, cảnh quan tuyệt đẹp và lãng mạn. Khu lăng Mộ Đào Tấn được công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 95-1998-QĐ/BVHTT ngày 24-01-1998 của Bộ VHTTDL.
Đào Tấn - một Danh nhân văn hóa tiêu biểu không chỉ của Tuy Phước mà còn là niềm tự hào của người dân Bình Định. Ông tên thật là Đào Đăng Tấn tự là Chỉ Trúc, hiệu Mộng Mai, Mai Tăng sinh ngày 27 tháng 2 năm Ât Tỵ, tức ngày 3 tháng 4 năm 1845, tại làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước nay là thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông đậu cử nhân năm Đinh Mùi (năm 1867), 4 năm sau, vua Tự Đức mời ông vào Hiệu Thư triều đình Huế, chuyên soạn các vở tuồng theo lệnh nhà vua. Năm Giáp Thìn (năm 1904), ông về hưu sau khi giữ chức Thượng Thư Bộ Công. Ông là người yêu nước nổi tiếng thanh liêm, đồng thời là nhà thơ, nhà biên soạn và đạo diễn tuồng xuất sắc của Việt
Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nói đến Đào Tấn là nói đến sự cống hiến lớn lao đối với môn nghệ thuật Tuồng. Sân khấu Tuồng Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến dầu thế kỷ thứ XVIII đã xuất hiện nhiều vở diễn nổi tiếng còn truyền lại cho hậu thế sau này. Nhưng môn nghệ thuật Tuồng vẫn còn hạn chế do cách tổ chức chưa được chuyên nghiệp. Đến thời Đào Tấn, bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình ông đã đóng góp cho môn nghệ thuật Tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ.
Đào Tấn đã lập ra Ban hiệu thư ở Huế chuyên sáng tác, sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan và hai gánh hát kiêm Trường đào tạo nghệ thuật Tuồng mang tên Học bộ đình ở làng Vinh Thạnh quê hương, nơi diễn những vở Tuồng của ông và đào tạo những nghệ sĩ Tuồng xuất sắc nhiều thế hệ. Ông là tác giả tập sách có tính chất lý luận sân khấu mang tên “Hí trường tùy bút”. Đặc biệt, ông đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hơn 40 vở tuồng vẫn được lưu truyền mãi mãi cho hậu thế như: Quần trân hiểu thoại, Tứ quốc lai vương, Tam bảo thái giám hữu bửu, Cổ thành, Quan Công quá quan, Tân Dã đồn, Hoàng Phi Hổ quá quan, Trầm hương các, Khuê các anh hùng và nhuận sắc phong một số vở như Tam nữ đồ vương, Sơn hậu, Ngũ hổ Bình Tây và Nguyệt cô hóa cáo...Có thể nói trong lịch sử Tuồng Việt Nam, Đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất, ngoài ra ông còn có công trong hoàn thiện âm nhạc Tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu Tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ. Với đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn đã được các thế hệ đời sau suy tôn “Hậu tổ” của nghệ thuật Tuồng Việt
Nam.

Ngoài ra, Đào Tấn còn sáng tác khá nhiều tác phẩm văn thơ như: Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai tử lục, Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai văn sao viết bằng chữ Hán...Nói chung, di sản nghệ thuật của Đào Tấn là hết sức phong phú, đồ sộ, hiếm có, ít người sánh kịp. Những năm cuối đời, Đầo Tấn về quê sống ẩn dật, xa lánh chốn quan trường nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật tuồng. Những đóng góp về mọi mặt đã khẳng định vị trí của ông trong lịch sử Việt Nam giai đoạn cận hiện đại, ông đã gieo vào lòng khán giả, những người yêu mến nghệ thuật biểu diễn tuồng cổ một sự đam mê thật sự. Ông đã nâng cánh thăng hoa và biến nó trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc của dân tộc.


Khu Mộ Đào Tấn nằm trên lưng chừng núi, ngoảnh mặt về hướng Nam nhìn về thôn Vinh Thạnh, nơi ông cất tiếng khóc chào đời, nơi tuổi thơ nhọc nhằn của ông đã đi qua, là nơi ông sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Tuy thuộc xã khác nhưng nơi ông yên nghỉ chỉ cách nhà ông chưa đầy 2km. Dưới chân núi có con sông Tranh, một chỉ lưu của sông Kôn từ Tháp Bánh Ít đổ ra đầm Thị Nại. Trong các di tích kỷ niệm về Đào Tấn ở quê hương ông chỉ có ngôi mộ là còn nguyên vẹn. Năm 1994, ngôi mộ bị xuống cấp nghiêm trọng được Sở Văn hóa – Thông tin (cũ) nay là Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Tuy Phước tiến hành gia cố, trùng tu, tôn tạo dựa trên nguyên gốc. Mộ xây hình chữ nhật dài 3m, rộng 2m, có bờ xung quanh cao 0,8 m. Phía trước mộ có bia đề ngày lập mộ, trước nữa là bức bình phong làm tiền án. Phía ngoài mộ là một vòng tường bao dài 10m, rộng 6m, trước có trụ cổng để đôi câu đối của Hà Đình tướng công – Nguyễn Thuật, lưng có bình phong kiểu quyển thư, hai bên cổng và hai bên cuốn thư là hình bốn con sấu được tạo dán đuôi vểnh lên trên. Được biết, thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiến hành cải tạo cảnh quan, tu bổ, trùng tu một số hạng mục để khu Lăng mộ được trang nghiêm, bề thế hơn và phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.

Cùng với khu di tích Mộ Đào Tấn, để tỏ lòng tôn kính và biết ơn những công tích, đóng góp của công đối với nền văn hóa dân tộc và quê hương Tuy Phước – Bình Định, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tuy Phước đã chung tay góp sức xây dựng Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn tại thôn Vinh Thạnh nơi ông sinh ra. Đền thờ khánh thành vào ngày 16-8-2016 là nơi khách tham quan, tổ chức Lễ tri ân, là nơi trưng bày những hiện vật, ảnh tư liệu nhằm tái hiện lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cùng những đóng góp to lớn của Đào Tấn đối với quê hương, đất nước.

Ngày nay, Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn và Khu lăng Mộ ông không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng của tỉnh và huyện nhà, nó còn là một danh thắng ngày càng thu hút du khách đến thăm viếng. Đó là tấm chân tình của muôn khách thập phương của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người yêu thích nghệ thuật Tuồng, là đông đảo nhân dân ở Bình Định, ở khắp mọi miền đất nước đến đây để tưởng niệm, để tri ân người đã có công lớn trong việc kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc và là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, một trong những địa chỉ đỏ về hoạt động giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Năm nay, kỷ niệm 116 năm ngày ngày mất Danh nhân văn hóa Đào Tấn, UBND huyện Tuy Phước long trọng tổ chức các hoạt động như: Lễ dâng hương, các đêm biểu diễn nghệ thuật Tuồng…để tưởng nhớ, như một lời tri ân, nhắc nhở chúng ta và con cháu đời sau tự hào về quê hương Tuy Phước – “vùng đất Võ – trời Văn” nơi đã sinh ra Đào Tấn nhà thơ, nhà văn, nhà soạn tuồng, nhà hoạt động sân khấu xuất sắc.

Tác giả bài viết: Nam Việt - Phòng Văn hóa và Thông tin huyện

Hướng dẫn nghiệp vụ
Bản tin nội bộ
Đề cương tuyên truyền
Tài liệu tham khảo
Báo cáo tổng kết năm
Báo cáo kinh tế xã hội
Hỏi đáp trực tuyến
Báo điện tử CS
Tuyên giáo
Xây dựng đảng
Tạp chí Cộng sản
Liên kết website
  • Đang truy cập60
  • Tháng hiện tại124,497
  • Tổng lượt truy cập3,199,352
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây