Huyện ủy Tuy Phước tỉnh Bình Địnhhttps://tuyphuoc.vn/uploads/banner-hutpmobile.gif
Thứ sáu - 19/01/2024 15:273920
Thực hiện chương trình mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng OCOP, trong những năm qua huyện Tuy Phước đã chỉ đạo các ngành, địa phương khai thác tốt tiềm năng thế mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng như: chanh muối bà Nhiêm; Gạo quê Phước Hưng; Bánh Phục Linh An Khương, Nấm Đông Trùng Hạ Thảo Khô Lộc Tín, Bột Diếp Cá Lộc Tín…đã tạo nên thương hiệu của sản phẩm được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Trung Chiến, Giám đốc HTXNN Hữu cơ Lộc Tín, cho hay HTXNN Hữu cơ Lộc Tín (thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) được thành lập năm 2020 với các hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất hữu cơ các sản phẩm dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm phân bón, sản phẩm chăm sóc cây cảnh, rau màu. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTXNN Hữu cơ Lộc Tín đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao OCOP đó là: nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, rượu đông trùng hạ thảo, bột diếp cá sấy lạnh và bột diếp cá đông trùng hạ thảo.
Một trong những thành công đầu tiên của HTXNN Hữu cơ Lộc Tín là tạo ra sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo nhờ ký kết thành công hợp đồng chuyển giao công nghệ và mua giống của Công ty TNHH Nông nghiệp Vaco (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nơi có thâm niên về nuôi cấy nấm khoa học và hiện đại. Đặc biệt, sáng tạo của HTXNN Hữu cơ Lộc Tín là tổ chức nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo trực tiếp trong bình thủy tinh sẽ làm bình đựng rượu để giữ nguyên khối nấm; riêng phần rượu sử dụng sản phẩm là của các thành viên HTX sản xuất ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ.
Từ thành công của sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo và với mong muốn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, HTXNN Hữu cơ Lộc Tín đã tiến hành trồng 2ha diện tích rau diếp cá theo hướng hữu cơ tại thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc. Đồng thời, đầu tư khoảng 450 triệu đồng mua dây chuyền, gồm: máy sấy lạnh, máy nghiền, máy súc rửa sục ozon…. để cho ra mắt sản phẩm bột diếp cá sấy lạnh và sản phẩm này ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng vào các mục đích chữa dị ứng, trị nóng trong, trĩ, đại tràn và đắp mặt nạ làm đẹp cho phu nữ….
Theo ông Chiến Giám đốc HTXNN Hữu cơ Lộc Tín, ngày nay rau diếp cá được trồng phổ biến ở nhiều nơi với năng suất thu hoạch lớn, tuy nhiên để đảm bảo về chất lượng sản phẩm HTX đã chọn giải pháp dùng nguồn nguyên liệu sạch của mình trồng theo chuẩn hữu cơ và trồng khô nên không sợ giun, sán. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới là dùng hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng nguồn nước giếng khoan.
Lúc hỏi đến quá trình đi “tìm sao” OCOP cho sản phẩm từ rau diếp cá vào cuối năm 2022, anh Phạm Trung Chiến, Giám đốc HTXNN Hữu cơ Lộc Tín bày tỏ: “Quá trình ấy được gói trong 2 chữ “gian nan” nhưng cũng rất tự hào khi sản phẩm của mình được thị trường đón nhận.
Để làm ra được sản phẩm từ rau diếp cá sạch, chất lượng và có dược tính cao đã khó, giờ đây phải đi tìm “sao” cho nó, quả không dễ dàng. Bởi thời gian trồng rau rất là công phu. Từ lúc cấy giống trồng đến khi thu hoạch rau phải hơn 3 tháng. Bên cạnh đó, khó khăn nhất là trong thời gian trồng thì cỏ thường mọc trước rau nên tốn công nhổ có rất nhiều. Ngoài ra, phải kể đến yếu tố thời tiết ở địa phương khắc nghiệt và nắng nóng nhiều nên diếp cá phát triển lâu hơn. Sau khi thu hoạch rau diếp cá thì phải tiếp tục trải qua nhiều quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt, kỳ công trong từng công đoạn mới ra được sản phẩm bột diếp cá sấy lạnh hoàn thiện đạt 3 sao OCOP. Chia sẻ về sản phẩm bột diếp cá sấy lạnh của mình khi được khách hàng tin dùng thường xuyên. Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTXNN Hữu cơ Lộc Tín thu hoạch gần 500kg rau diếp cá tươi và cho ra khoảng 30kg sản phẩm bột diếp cá sấy lạnh. Sản phẩm này đã được cung cấp trên các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, wedside của HTX và tại cửa hàng, với giá 180 ngàn đồng/hũ/ 100g. Bên cạnh việc đem lại lợi nhuận, HTX còn góp phần tạo việc làm cho 7 lao động (trong đó có 2 lao động thường xuyên) với mức lương 6 triệu đồng/ người/tháng.
Rời HTXNN Hữu cơ Lộc Tín, chúng tôi tìm đến các vùng trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nơi sản xuất những sản phẩm rau đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao vào năm 2019 và tiếp tục được cấp giấy chứng nhận lần 2 vào năm 2022 ở các thôn Luật Chánh, Đại Lễ, Tuân Lễ và Tú Thủy thuộc HTXNN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp).
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt bên những ruộng rau là đông đúc người dân tranh thủ ra đồng chăm sóc, tưới nước cho những luống rau vừa mới xuống giống và tranh thủ thu hoạch lứa rau đã đến vụ để đưa vào nhà sơ chế kịp thời phân loại, đóng gói để đưa đi tiêu thụ. Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, cho biết: nhờ được thiên nhiên ưu đãi với những thửa đất nặng phù sa nằm ven nhánh sông Côn, hàng chục năm nay, 256 hộ nông dân có cùng sở thích trồng rau an toàn thuộc HTXNN Phước Hiệp đã tham gia sản xuất nhiều loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX đã có trên 13,5 ha đất sản xuất rau an toàn VietGap, mỗi ngày cung cấp cho các siêu thị, như: Coopmart Qui Nhơn, Coopmart An Nhơn, Go và Mega Maket cùng một số quầy rau an toàn trong tỉnh từ 4 – 7 tạ rau các loại. Cũng nhờ trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP mà đời sống của đa số hộ thành viên trong HTXNN Phước Hiệp được cải thiện, nâng cao, đồng thời tạo nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Theo chân ông Thăng chúng tôi đến vườn rau hữu cơ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm của anh Trần Văn Tiến (45 tuổi, thành viên HTX Rau an toàn Phước Hiệp). Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác nên anh giảm 50% chi phí sản xuất và được HTXNN Phước Hiệp thu mua với giá 20.000 đồng/kg rau, cao hơn với giá thương lái bên ngoài từ 20% đến 30%. Trung bình mỗi vụ, anh Tiến thu lợi nhuận gần 12 triệu đồng. Riêng vụ rau tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, gia đình anh trồng hơn 2.200 m2 rau, với các loại khổ qua, đậu cô ve, đậu bắp, hành ngò, cúc, cải, mồng tơi và ngò sàng. Dự kiến trong vụ tết nguyên đán sắp đến này, gia đình tôi sẽ cung cấp ra thị trường mỗi ngày khoảng 50kg rau/ loại.
Bà Trần Thị Do (63 tuổi, một hộ chuyên trồng rau ăn lá ở thôn Luật Chánh), cho biết thêm: trong vụ rau tềt Giáp Thìn 2024, gia đình tôi trồng 500m2, với các loại rau mồng tơi, rau muống, rau dền, cải xanh, cải ngọt. Nhờ thời tiết thuận lợi nên các cây rau đều phát triển khá tốt. Đồng thời, trồng theo qui chuẩn VietGap và được HTXNN Phước Hiệp thu mua lại với giá cao nên tôi hy vọng sẽ có một cái tết sung túc.
Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, cho biết thêm: Đầu năm 2023, được sự hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, HTX đã đăng ký hoàn tất các thủ tục để cấp mã số vùng trồng cho 13,5 ha rau an toàn hợp chuẩn VietGAP của HTX. Đối với qui trình để làm ra một sản phẩm rau OCOOP khi đưa ra thị trường thì phải trải qua nhiều công đoạn sau thu hoạch, như: đưa vào nhà sơ chế, lặt lá, rể (tùy theo loại rau), rừa, súc ozon, ly tâm khô, đóng bao và dán nhãn… Với truyền thống của HTX là 50 loại rau, tuy nhiên hiện giờ HTX chủ yếu sản xuất 27 loại rau. Về sản xuất vụ rau tết 2024, HTX định hướng bà con chủ yếu sản xuất rau ăn trái vì sẽ tiêu thụ nhiều, trong đó cây khổ qua là chủ lực.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong năm 2023 trên địa bàn huyện Tuy Phước có 24 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao. Nâng tổng số sản phẩm công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn huyện này hiện nay lên 35 sản phẩm (hạng 3 sao). Ông Phan Văn Khiêm- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, giải quyết được lực lượng lao động địa phương, nguồn nguyên liệu tại chỗ và được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi được công nhận, sản phẩm của các chủ thể sẽ có cơ hội vươn ra các thị trường ngoài tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và xây dựng NTM ở địa phương.
Tác giả bài viết: Xuân Vinh - Trung tâm VH - TT -TT huyện