Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phước, trước năm 2000 hạ tầng giao thông ở địa phương còn yếu kém, chủ yếu đường đất “nắng bụi, mưa lầy” lại nằm ở vùng “rốn lũ” chịu nhiều thiên tai, bão lũ nên huyện xác định vai trò cốt lõi phải xây dựng hệ thống giao thông bảo đảm đi lại thông suốt 4 mùa. Đặc biệt, kể từ khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ xi măng thì phong trào xây dựng và bê tông hóa GTNT trên địa bàn huyện được đẩy mạnh, đồng thời khi huyện bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) từ năm 2010 đã có sức lan tỏa mạnh mẽ cho đến nay. Việc xây dựng hoàn thiện hệ thông GTNT theo hướng đồng bộ, đồng thời gắn hệ thống này với các mục tiêu phát triển đô thị dọc theo các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19, Quốc lộ 19C, Quốc lộ 19 mới, các tuyến tỉnh lộ ĐT 640 – ĐT 636 – ĐT 631, ĐH 42 và các tuyến đường trung tâm xã được đẩy nhanh và đến nay toàn huyện có trên 728,5 Km/ 863,8 Km đường giao thông được bê tông xi măng và thảm nhựa nóng, 100% xã đều đạt tiêu chí giao thông. Giao thông đã tạo tiền đề vững chắc để Tuy Phước phát triển KT-XH bền vững.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ tính từ năm 2016 cho đến nay, huyện đã huy động trên 1.226 tỉ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó: Nguồn vốn Trung ương chiếm 2,66%, vốn ngân sách tỉnh chiếm 11,14%, vốn đầu tư ngân sách huyện chiếm 13,67%, vốn ngân sách xã chiếm 28,18%; vốn huy động Công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã và đặc biệt nhân dân chiếm 6,06% và nhân dân hiến hơn 17.136 m2 đất. Tiêu biểu trong công tác huy động sức dân làm đường GTNT là các xã: Phước An, Phước Thành, Phước Thắng, Phước Hòa… người dân đóng góp chiếm từ 61% - 74% giá trị công trình.
Ông Nguyễn Văn Bốn (65 tuổi) một nông dân thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, vui mừng, bộc bạch: Chỉ cách đây 5 năm thôi từ nhà ra đường chính liên xã nếu gặp mưa mà đi xe máy, xe đạp toàn dắt bộ bùn đất bám đầy, nắng lên bụi ngút trời. Còn giờ đường đều bê tông từ ngõ xóm đến thôn – xã - huyện; địa phương có 2 tuyến đường tỉnh lộ 640 – 636 qua địa bàn được thảm nhựa trông mát mắt; xã cũng mở rộng thảm nhựa 6 tuyến đường giờ nhìn như đường phố thị, bà con chúng tui hưởng lợi nhiều.
Có thể nói, kết cấu hạ tầng GTNT được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện đã tạo diện mạo mới cho nông thôn, tác động trực tiếp và gián tiếp tới các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng nhanh và bền vững; mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn.