Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, ngày 11/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 gồm 6 chương 36 điều. Trên cơ sở các điều khoản Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ trì xây dựng và tham mưu cho chính phủ, Bộ Quốc phòng ban hành 2 nghị định và 2 thông tư quy định chi tiết. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, thể chế đầy đủ các quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia khu vực biên giới.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung nghiên cứu, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; nghe các báo cáo viên giới thiệu một số chính sách của Nhà nước về Bộ đội Biên phòng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Biên phòng, nguyên tắc, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hoạt động cơ bản về biên phòng; hệ thống tổ chức, phạm vi hoạt động của Bộ đội Biên phòng, chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và Bộ đội Biên phòng; hoạt động phối hợp, phối thuộc giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng trong Quân đội trong áp dụng hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia... Qua đó giúp các đại biểu có cơ sở để tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Thông qua hội nghị nhằm giúp cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức về Luật Biên phòng Việt Nam, pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, địa phương và đời sống hằng ngày. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong giai đoạn hiện nay.