Chúng ta có Bác Hồ!

Thứ năm - 19/05/2022 08:27 262 0
Người làm cho đất nước từ bóng đêm nô lệ trở thành một quốc gia độc lập, con người tự do; làm cho đất nước của những vương triều với những định kiến, định chế ách nghẹn dựa trên sự thống trị của một tập đoàn, một cá nhân trở thành một nước Việt Nam của nhân dân trong mát, là Bác Hồ.
Chúng ta có Bác Hồ, ngọn đuốc thắp sáng khát vọng, ý nghĩa cao cả của cuộc sống làm người: Khát vọng Hồ Chí Minh! (Đồ họa: Quang Huy)
Chúng ta có Bác Hồ, ngọn đuốc thắp sáng khát vọng, ý nghĩa cao cả của cuộc sống làm người: Khát vọng Hồ Chí Minh! (Đồ họa: Quang Huy)

Chúng ta có Bác Hồ!

Đó là cảm xúc trào dâng, là kết tụ nhận thức tôi khi nghĩ về đời mình, về cách mạng và tương lai đất nước.

Không thể không thấy quý giá và thiêng liêng khi chúng ta được sinh ra, được ghi vào giấy khai sinh tên tuổi của mình, của cha mẹ, quê hương và một quốc tịch: Việt Nam. Một Việt Nam ngày càng đáng tự hào, hãnh diện vì truyền thống anh hùng, vì những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, vì một vùng đất đáng sống.  Không thể không thấy quý giá và thiêng liêng, khi mỗi ngày chúng ta được sống trong hòa bình, được tự do ra Bắc, vô Nam, ra khơi vào lộng với tư thế của người có chủ quyền. Cái tưởng như giản đơn ấy, được làm nên bởi cuộc cách mạng và những cuộc kháng chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ, bằng máu xương của hàng triệu người, của nhiều thế hệ. Người tìm ra con đường cứu nước, người lãnh đạo nhân dân đuổi hết giặc ngoại xâm, để Nam Bắc thống nhất, nhà nhà sum họp yên vui, là Bác Hồ!

Nhìn về quá khứ, nhìn ra thế giới hôm nay, ta mới thấy mình vạn hạnh, mới thấm thía công lao trời biển của Người!

***

Chúng ta có Bác Hồ, ngọn đuốc thắp sáng khát vọng, ý nghĩa cao cả của cuộc sống làm người: Khát vọng Hồ Chí Minh!

Khát vọng Hồ Chí Minh là gì?

Là khát vọng yêu nước, cứu nước. Người đặt tên mình là Ái Quốc, mong mỏi mỗi người dân là một nhà ái quốc. Khi nước mất, thì lo cứu nước. Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách. Từ đôi bàn tay trắng, từ lòng yêu nước thiết tha, từ đinh ninh lời dặn của người cha “hữu chí cánh thành” (có chí thì nên) cũng là lời truyền ngôn muôn đời trong các gia đình Việt Nam, mà Bác có sự sáng suốt của thánh hiền, mà làm nên nghiệp lớn.

Đời Bác chỉ đinh ninh một điều. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 tổ chức tại TP Tours (Pháp), Bác ủng hộ Quốc tế cộng sản 3, tổ chức đứng về nhân dân thuộc địa và khẳng định với nữ đồng chí Rose: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (Theo Hồng Hà, Thời thanh niên của Bác Hồ, NXB Thanh niên, 2011, tr. 94). Bác đã nhiều lần nhấn mạnh điều đó và suốt đời theo đuổi mục đích đó. Louis Arnoux, một viên mật thám ở Bộ thuộc địa Pháp đã thốt lên vào năm 20 của thế kỷ XIX: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương” (Sđd,tr. 58).

Khát vọng Hồ Chí Minh là khát vọng cho một nước Việt Nam không chỉ có độc lập, tự do mà phải là nước mà người dân ai cũng có cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành, người dân phải được quyền làm chủ thật sự cuộc sống của mình, đất nước của mình, con người được tự do và có mọi điều kiện phát triển, nếu không, độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Điều thứ nhất của Hiến pháp năm 1946 mà Người là Trưởng ban soạn thảo viết: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Người khát vọng về một Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Cho nên, sau khi mới giành được chính quyền, Người lo việc cầu hiền tài, gửi gắm hy vọng vào việc học tập của tuổi trẻ, gửi các thanh niên ưu tú sang nước ngoài học tập để tiếp thu tinh hoa thế giới, tránh việc “ếch ngồi đáy giếng” hay tự thị dân tộc. Chăm lo trồng cây, trồng người là công việc suốt đời của Bác, là ý nguyện Bác gửi về muôn thế hệ.

Chúng ta có Bác Hồ để có một phương pháp cách mạng và hành xử văn hóa. Chúng ta yêu hòa bình, kiên quyết không để nền hòa bình nào bị bỏ lỡ, không muốn làm tổn hại đến sinh mạng và danh dự con người, kể cả khi người đó đang là kẻ thù xâm lược. Bác đã tìm mọi cách để thực dân Pháp không trở lại Việt Nam năm 1946, để đế quốc Mỹ không can thiệp và khi đã can thiệp thì nên rút lui trong danh dự. Mọi mâu thuẫn, xung đột có thể giải quyết bằng phương pháp hòa bình, nhưng khi không được mới dùng bạo lực cách mạng, đã dùng bạo lực cách mạng thì không bao giờ khoan nhượng, chấp nhận mọi hy sinh, để đạt được mục tiêu của mình.

Chúng ta có Bác Hồ để đinh ninh những chân lý, để truyền đời quyết tâm: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Chúng ta có Bác Hồ để có tiêu chí đánh giá, phấn đấu của một Đảng cầm quyền, của cán bộ lãnh đạo, đó phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân, là đại biểu cho lợi ích của toàn dân tộc, là tiêu biểu của đạo đức văn minh.

Chúng ta có Bác Hồ để có thành thực và bao dung Hồ Chí Minh. Yêu thương người cùng khổ, quý trọng hiền tài, tin dùng cả những người từng lầm lỡ, bốn biển một nhà..., vì thế, không chỉ cả dân tộc theo về mà thế giới cũng nghiêng mình. Người là đỉnh cao của văn hóa Việt Nam và là chỉ hướng cho văn hóa tương lai.

Chúng ta có Bác Hồ để không cố chấp, biết dung hợp, không nên lấy nắp tròn để đậy kín hộp vuông. Trên báo Thanh niên số ra ngày ngày 20/2/1927, Bác viết “Hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng đọc các tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lenin!”.

Chúng ta có Bác Hồ để có đường hướng xây dựng đất nước mạnh giàu và cũng có đường hướng để vươn tới một cuộc sống tinh thần cao đẹp, vượt lên trên mọi danh lợi, phù hoa; mọi tầm thường vật chất.

Ao cá Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Ảnh: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

Trên báo Cứu Quốc ngày 21/1/1946, trả lời một nhà báo nước ngoài, Bác nói: "Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận... Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

Trong bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” năm 1947, Bác viết: Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Thư ký Bác Hồ Vũ Kỳ kể: “Dù đã ít nhiều hiểu về tính giản dị của Bác, chúng tôi vẫn bồi hồi khi sắp xếp hành lý (cũng là tài sản riêng) của vị Chủ tịch đứng đầu nước Việt Nam, vẻn vẹn một cái va-li nhỏ đựng một bộ quần áo vải ka ki (không kể bộ quần áo Bác đang mặc), hai bộ quần áo cánh, hai bộ quần áo lót, ba mùi xoa..., không mang giày vì Bác ưa đi dép cao su” (Thư ký Bác Hồ kể chuyện, NXB CTQG, 2005. Tr. 117).

***

Những khát vọng lớn của Bác Hồ đã đạt được. Có Bác, chúng ta đã có tất cả. Nhưng chỉ có những khát vọng riêng của Bác như được vào thăm đồng bào Miền Nam, như được về quê nhà Nam Liên hay Việt Bắc, sống trong một ngôi nhà nho nhỏ, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, người bình thường ai cũng có, vậy mà, đến cuối đời Bác cũng không có được.

Nguồn tin: vov.vn

Hướng dẫn nghiệp vụ
Bản tin nội bộ
Đề cương tuyên truyền
Tài liệu tham khảo
Báo cáo tổng kết năm
Báo cáo kinh tế xã hội
Hỏi đáp trực tuyến
Báo điện tử CS
Tuyên giáo
Xây dựng đảng
Tạp chí Cộng sản
Liên kết website
  • Đang truy cập63
  • Tháng hiện tại163,770
  • Tổng lượt truy cập5,044,627
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây