50 năm qua, Ðảng bộ và nhân dân Bình Ðịnh luôn tự hào đã sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.
1. Ngày 29.9.1969, Bộ Chính trị có chỉ thị phát động đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Triển khai thực hiện Di chúc của Bác, Tỉnh ủy Bình Định đã phát động nhiều phong trào cách mạng sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân “noi gương nối chí Bác Hồ, lập công đền ơn Người”. Các phong trào này đã tạo động lực tinh thần cho quân và dân tỉnh ta “tập trung đánh bại chương trình “bình định cấp tốc”, ra sức giành, giữ và kéo dân nông thôn, giành quyền làm chủ từng phần ở thị xã. Phát động quần chúng nổi dậy đẩy mạnh diệt ác, phá kẹp, giành dân, giành quyền làm chủ ở phía Bắc và phía Nam tỉnh. Nắm vững công tác tư tưởng và tổ chức, lấy công tác tư tưởng làm chìa khóa giải quyết mọi vấn đề”.
Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng Đảng, đẩy mạnh phong trào thi đua “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Noi gương nối chí Bác Hồ, quyết chiến quyết thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Thực hiện tốt Cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và phát triển đảng viên lớp Hồ Chí Minh theo Nghị quyết tháng 4.1970 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh xây dựng chi bộ, đảng viên 4 tốt và phong trào thi đua “Noi gương nối chí Bác Hồ, quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Chính những phong trào làm theo Bác đã góp phần đập tan các kế hoạch “bình định cấp tốc” và “bình định đặc biệt” của địch.
2. Trong Di chúc, Bác còn căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, Bình Định cùng cả nước bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, hoạch định chiến lược phát triển nhằm sớm thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên giàu mạnh, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương Bình Định ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Ở giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, Bình Định đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của tỉnh trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; giải quyết đồng bộ, có hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là đối với nông dân.
Từ một tỉnh thuần nông, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trình độ canh tác lạc hậu, công nghiệp và dịch vụ hầu như chưa phát triển, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Bình Định đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Trong cơ cấu kinh tế, nông, lâm, thủy sản có bước phát triển khá; công nghiệp và xây dựng chiếm 31,3%; dịch vụ chiếm 39,3%. Các hoạt động văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống của nhân dân trong tỉnh ổn định, đời sống của một bộ phận được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 2%/năm. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội cơ bản được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; hệ thống chính trị các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 624 tổ chức đảng, 3.451 chi bộ trực thuộc với 68.519 đảng viên, tăng 63.348 đảng viên so với năm đầu triển khai thực hiện Di chúc của Bác.
3. Nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ, quân và dân Bình Định tự hào về những thành tựu đạt được; đồng thời luôn trăn trở về thực trạng phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Kính yêu Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Bình Định sẽ nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn trong sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng với nhân dân cả nước thực hiện trọn vẹn điều mong muốn cuối cùng của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới”.